1. Đời sống cầu nguyện
Sống kết hợp mật thiết với Chúa, chuyên tâm cầu nguyện theo tinh thần Đông Phương (QL số 25) và trung thành giữ các giờ nguyện gẫm theo tinh thần Cát Minh (QL số 27). Cụ thể, các thành viên trong Tu Đoàn cầu nguyện một giờ mỗi ngày, tốt nhất là trước Thánh Thể ; phụng vụ thánh mang sắc màu của Phụng Vụ Đông Phương, mà vẫn giữ các quy định phụng tự của Giáo Hội Công Giáo Ro-ma ; thể hiện đời sống nội tâm một cách cụ thể trong lối sống và tại các nơi của Tu Đoàn.
2. Đời sống Bí Tích
Siêng năng lãnh nhận các Bí Tích (QL số 24) ; Tham dự Thánh Lễ hàng ngày ; lãnh nhận Bí tích Hòa giải ít là mỗi tháng một lần.
3. Đời sống Phụng Vụ
Cử hành các giờ Phụng Vụ một cách kỹ lưỡng. Coi đây là nơi nối kết con người với lời ca khen trên Thiên Quốc (QL 24).
4. Sống tâm tình ngợi ca và thực hành các đặc sủng
Sống tâm tình ngợi ca liên lỉ, tôn vinh Chúa trong mọi khía cạnh của cuộc sống ; thực hành các đặc sủng mà Chúa Thánh Thần khơi dậy nơi mỗi người (QL số 23).
“Dù là phi thường, hay đơn giản và khiêm tốn, các đặc sủng là những ân huệ của Chúa Thánh Thần, trực tiếp hay gián tiếp đều nhằm lợi ích cho Hội Thánh, để xây dựng Hội Thánh, mưu ích cho loài người và đáp ứng những nhu cầu của thế giới” (GLHTCG số 799).
5. Tận hiến cho Mẹ Ma-ri-a
Tận hiến cho Mẹ Ma-ri-a theo tinh thần của thánh Lu-i Ma-ri-a Gơ-ri-nhi-ông Đơ Mông-pho (Louis Marie Grignion de Montfort). Theo đó, mỗi buổi sớm mai, Tu Đoàn tận hiến cho Đức Mẹ ; siêng năng lần hạn mân côi và thực hành các việc đạo đức để tôn kính Mẹ.
6. Cầu nguyện cho dân tộc Ít-ra-en
Thông hiệp với dân tộc Ít-ra-en bằng lời cầu nguyện ; xin Chúa mau thực hiện ý định của Ngài trên dân tộc mà Ngài tuyển chọn cũng như trên mọi dân nước (QL 36). Thánh Phao-lô đã dạy cho chúng ta rằng Giáo hội, bằng một cách nào đó, có nguồn gốc từ dân tộc Ít-ra-en (x. Rm 11, 25-28). Vì vậy, việc hiệp thông với lời cầu nguyện của dân tộc Ít-ra-en là một trong những căn tính của Giáo hội. Trong Tu Đoàn Thiên Phúc, việc hiệp nguyện trên chiếm một vị trí rất quan trọng, được thể hiện qua những giờ cầu nguyện (không mang tính phụng vụ) vào giờ Sa-bát hàng tuần.
7. Cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Ki-tô Hữu
Tu Đoàn luôn thông hiệp với lời cầu nguyện của chính Chúa Giêsu, Đấng Trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, đồng thời luôn mở tâm hồn ra với Chúa Thánh Thần để Ngài đến chuyển cầu trong mỗi thành viên, “vì chúng ta không biết phải cầu nguyện như thế nào” (Rm 8, 26). Việc cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các Ki-tô hữu được thể hiện qua sự phối hợp các giai điệu thuộc phụng vụ By-zăng-tinh vào các bài hát dùng trong phụng vụ tại Tu Đoàn. Trong nhà nguyện Tu Đoàn, việc trang trí nghệ thuật, sử dụng tranh ảnh thánh (Icône) là rất quan trọng. Các thành viên của Tu Đoàn cầu nguyện cho sự hiệp nhất này bằng việc suy gẫm lời khẩn cầu của Chúa Giê-su trước giờ thương khó rằng: “Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một” (Ga 17, 22).
(Quy chế số 6)